Cách đây 66 năm, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám đã mở
ra một trang sử mới của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu
của kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ. Trong những ngày tháng lịch sử hào
hùng đó, ngày 3-10-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
ký Sắc lệnh số 41-SL để kết thúc hoạt động của cơ quan quản lý đất đai thuộc
Nhà nước thực dân Pháp và mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua những chặng đường lịch sử, ngành Quản lý
đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp to lớn vào
sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước.
Ngay thời kỳ đầu
thành lập với đội ngũ cán bộ còn ít, thực hiện chủ trương của Đảng "độc
lập dân tộc và người cày có ruộng", chúng ta đã ban hành và thực hiện
quy định về ruộng đất đối với nông dân. Những quyết sách đúng đắn đã trở
thành động lực quan trọng, hết sức to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc
lập dân tộc, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc là cơ sở cho quá
trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sau đó, là thời kỳ
xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền
Nam, đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1974). Với mục tiêu đẩy mạnh cuộc
cách mạng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cuộc
cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản tư
doanh (ở miền Bắc), Ngành đã xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền
ban hành và thực hiện các chính sách đất đai chủ yếu tập trung vào: Hoàn
thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế nông nghiệp; cải tạo xã hội chủ
nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân; xây dựng hợp tác xã
nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ phân vùng
sản xuất. Các chính sách công hữu hóa đất đai giai đoạn này đã tạo điều kiện
quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn đồng thời tạo điều kiện xây dựng
hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng.
Sau ngày đất nước
thống nhất (1975), công tác quản lý đất đai chủ yếu nhằm củng cố nền kinh tế
xã hội chủ nghĩa và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, tập trung tư liệu
sản xuất, thực hiện hợp tác hóa gắn liền với thủy lợi hóa, xây dựng cơ sở vật
chất kỹ thuật... trong đó thay đổi cơ bản là từng bước chuyển từ chế độ tư
hữu đất đai sang hình thức sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước về đất đai.
Bước vào thời kỳ Đổi
mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI và các Đại hội tiếp theo về chuyển
đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, ngành Quản lý đất đai đã xác định nhiệm vụ quản lý và
phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan
trọng hàng đầu của Ngành.
Sau 25 năm thực hiện
đổi mới, tổ chức ngành Quản lý đất đai đã không ngừng lớn mạnh. Hiện tại,
toàn ngành có trên 33.000 cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác
quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động của ngành Quản lý
đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trong góp phần đẩy mạnh sự nghiệp
phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế từng bước "nắm chắc, quản chặt,
khai thác có hiệu quả" nguồn tài nguyên đất đai, cụ thể là:
Đã xây dựng trình
ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống chính sách về đất đai phù hợp
với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính
sách đất đai không chỉ còn là mệnh lệnh hành chính mà được xem xét dưới góc
độ kinh tế đã tạo ra nguồn nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu
hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong
thị trường bất động sản. Những chủ trương chính sách đúng đắn đã góp phần
quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai đưa đất đai trở thành nguồn lực quan
trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xóa
đói giảm nghèo.
Các hoạt động điều
tra cơ bản như điều tra thổ nhưỡng, đánh giá đất; đo đạc bản đồ, thống kê,
kiểm kê đất đai được tăng cường để "nắm chắc" chất lượng đất, diện
tích các loại đất làm cơ sở cho việc phân vùng kinh tế, phân bổ lực lượng lao
động, dân cư và phát triển đô thị góp phần vào việc hoạch định chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp dữ liệu "đầu vào" cho các
ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Công tác lập bản đồ
địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử
dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai được chú trọng. Hệ thống bản đồ
địa chính đã được lập bằng công nghệ số với nhiều phương tiện hiện đại, tốc
độ thực hiện nhanh, có độ chính xác cao và chi tiết đến từng thửa đất, đáp
ứng yêu cầu về chất lượng, phục vụ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và
quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đã cấp được hơn 30 triệu Giấy Chứng
nhận cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức với diện tích hơn 17 triệu ha. Công
tác lưu trữ, thông tin đất đai đang từng bước được hiện đại hóa, đáp ứng yêu
cầu tra cứu, sử dụng cho các mục tiêu khác nhau.
Công tác lập và quản
lý quy hoạch được triển khai thực hiện ở cả 4 cấp từ quốc gia đến cấp tỉnh,
huyện, xã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội của quốc gia và từng địa phương giai đoạn 2011 - 2020. Quỹ đất của
quốc gia cơ bản được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử
dụng một cách hiệu quả. Diện tích đất trống đồi núi trọc dần được phủ xanh.
Nguồn thu từ đất
tăng đều qua các năm (năm 2005 đạt 17.949 tỷ đồng; năm 2006 đạt 20.765 tỷ
đồng; năm 2007 đạt 36.821 tỷ đồng; năm 2008 đạt 40.029 tỷ đồng; năm 2009 đạt
46.876 tỷ đồng; năm 2010 đạt 54.000 tỷ) dần trở thành nguồn lực quan trọng
cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng
quốc gia được đầu tư xây dựng; trong thời gian ngắn các địa phương đã huy
động được nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển, chỉnh
trang đô thị. Hiện nay, với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên
và Môi trường, nguồn lực đất đai đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan
trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác nghiên cứu
khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai được thực hiện hiệu quả
làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của
Nhà nước.
Hợp tác quốc tế
trọng lĩnh vực quản lý đất đai ngày càng rộng mở. Hiện nay, ngành Quản lý đất
đai đã có quan hệ hợp tác với trên 30 quốc gia và tổ chức quốc tế; với nhiều
chương trình, dự án quan trọng.
Nhìn lại chặng đường
66 năm lịch sử phát triển của ngành cũng chính là dịp để giáo dục truyền
thống cho thế hệ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ngày nay. Những thành
quả mà Ngành đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh gian khổ của rất
nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã từng nhiều năm đồng cam cộng khổ trên
mỗi bước đường xây dựng và phát triển của Ngành. Nhân dịp này, chúng ta ghi
nhận và tôn vinh công lao, đóng góp to lớn của các thế hệ cha, anh, những
cống hiến quý báu của các thế hệ trước đây sẽ mãi mãi được ghi nhớ. Thế hệ
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Quản lý đất đai hôm nay
sẽ ra sức phấn đấu, không ngừng học tập, sáng tạo xây dựng Ngành ngày một
phát triển và vững mạnh, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước.
Quản lý đất đai là
vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị - xã hội, được
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách
đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu
to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, ngành Quản lý đất đai sẽ phát huy trí tuệ tập thể nắm bắt cơ hội,
hóa giải thách thức, để cùng các cấp, các ngành thực hiện thành công công
cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được những thành tựu to
lớn hơn nữa trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức và
người lao động ngành Quản lý đất đai nguyện đoàn kết, phát huy trí tuệ tập
thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Một là, hoàn thiện
hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước "nắm
chắc, quản chặt" quỹ đất đai, đồng thời phân bổ nguồn tài nguyên đất đai
cho các ngành kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu của quốc phòng, an ninh. Mặt
khác phải tạo điều kiện để đất đai tham gia thị trường bất động sản.
- Hai là, xây dựng
và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về
đất đai trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành
một bộ phận của hệ thống Dữ liệu Quốc gia. Xây dựng hoàn thiện hệ thống đăng
ký đất đai hiện đại về các mặt mô hình tổ chức, trình tự thủ tục, phương pháp
công nghệ.
- Ba là, hoàn thiện
hệ thống quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển
dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu
kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
- Bốn là, hoàn thiện
hệ thống cơ chế tài chính về đất đai thực hiện kinh tế hóa lĩnh vực quản lý
đất đai với các yêu cầu cụ thể như : Hệ thống định giá đất trở thành công cụ
tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản;
xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất
một cách chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã
hội.
- Năm là, kiện toàn
hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cho ngành Quản lý đất đai đồng bộ
từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước
về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động
có hiệu quả. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng
dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước
trong khu vực.
Nguồn: Theo monre.gov.vn |